Việc tăng cân quá nhiều cũng khiến bạn khó có thể sinh thường.
Sinh nở theo tự nhiên bao giờ cũng là lựa chọn tốt nhất, an toàn nhất cho cả mẹ lẫn bé hơn là sinh mổ. Nếu thai nhi phát triển bình thường và mẹ bầu khỏe mạnh thì hoàn toàn có thể lựa chọn phương pháp sinh thường. Thế nhưng do vấn đề thẩm mỹ và sợ đau nên rất nhiều chị em phụ nữ lựa chọn phương pháp sinh mổ. Dưới đây là một số bí kíp giúp mẹ bầu sinh thường "vượt cạn" dễ dàng hơn.
|
1. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Thực tế hiện nay, việc ăn uống quá nhiều chất dinh dưỡng hay tâm lý “ăn cho hai người” trong thời gian bầu bí là hoàn toàn không tốt. Cân nặng của em bé tăng lên thường xuất phát từ việc mẹ ăn quá nhiều chất dinh dưỡng, ăn nhiều mỡ trong thời kỳ mang thai mà ít vận động, luyện tập cơ thể.
Nếu em bé nặng khoảng 4 kg thì tỉ lệ sinh khó của mẹ tương đối lớn. Các mẹ nên có chế độ ăn khoa học, tránh nguy cơ tăng cân không kiểm soát dẫn đến tình trạng nặng nề. Trước thời gian dự sinh khoảng 2 tuần, mẹ bầu nên chăm soc sức khỏe, sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, ăn thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như: khoai lang, rau tía tô, dứa, sữa chua, sữa đậu nành, trứng gà… để vượt cạn.
Để sinh thường chỉ còn chuyện nhỏ - 1
Trong suốt thời gian mang bầu, chỉ nên tăng từ 10-15 kg là đủ
Lời khuyên của các chuyên gia là trong suốt thời gian mang bầu, chị em bầu bí chỉ nên tăng từ 10-15 kg là đủ. Nếu cân nặng tăng lên từ 20 kg trở lên, thai to khiến mẹ bầu rất khó sinh.
2. Tập luyện thể thao
Ngày nay hầu như các mẹ bầu đều có xu hướng thừa cân vì lười vận động. Tập thể thao trong giai đoạn mang thai không những có lợi cho việc khống chế cân nặng mà còn giúp bà bầu sinh nở dễ dàng. Tập thể thao khiến vùng cơ xương chậu, cơ lưng, cơ bụng được co dãn, tăng cường tính đàn hồi; các xương khớp, dây chằng cũng dẻo dai hơn. Điều này giúp cơ thể trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn, giảm thiểu áp lực lên sản đạo. Bên cạnh đó, thể thao còn có tác dụng giúp bà bầu giảm mệt mỏi, căng thẳng và trở nên vui vẻ, tự tin trong suốt thời gian mang thai.
Một điều cần chú ý là khi tập luyện thể thao, bà bầu nên chọn các động tác nhẹ nhàng, thời gian tập luyện không nên kéo dài. Các môn thể thao nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe và bơi lội là các lựa chọn khá phù hợp với sức khỏe và thể trạng bà bầu.
Tập luyện thể thao với bóng sinh (loại bóng to, chuyên dành cho bà bầu) giúp giảm áp lực cho đôi chân, bụng. Tập với bóng thường xuyên trước khi sinh rất có lợi cho mẹ bầu, giúp cơ xương chậu đàn hồi tốt, có lợi cho quá trình sinh nở. Ngoài ra những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu nên chăm chỉ đi bộ buổi sáng sớm hoặc tối
3. Thư giãn
Thư giãn là bước đầu tiên tiếp cận với việc sinh nở, giúp các cơ trong toàn bộ cơ thể được thư giãn, giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái, giúp cơ thể điều hòa hơn.
Việc thư giãn, chuẩn bị tinh thần rất quan trọng, bởi không những giúp cho việc sinh nở tiến hành thuận lợi mà còn giảm được cảm giác đau dù không cần tiêm thuốc. Một số mẹ bầu không được tư vấn tâm lý trước khi chuyển dạ nên khi trải qua giai đoạn này đã vô cùng sợ hãi, không ít người sau đó không dám sinh con nữa. Hãy nhẹ nhàng đón nhận thời khắc chuyển dạ chứ đừng quá căng thẳng, nghĩ ngợi lo lắng sẽ khiến bản thân càng áp lực hơn.
Để sinh thường chỉ còn chuyện nhỏ - 2
Tập với bóng sinh thường xuyên trước khi sinh giúp cơ xương chậu đàn hồi tốt,
có lợi cho quá trình sinh nở.(ảnh minh hoa)
Lo lắng, căng thẳng là một trong những yếu tố cản trở việc sinh nở của mẹ bầu, khiến việc sinh nở trở nên khó khăn. Vì vậy lúc này hãy nghĩ đến niềm vui sướng, hạnh phúc vì sắp được làm mẹ, sắp được đón con yêu chào đời, hãy tưởng tượng đến khuôn mặt đáng yêu của bé, đến những điều tốt đẹp... sẽ giúp mẹ bầu phấn chấn, và cũng giảm bớt cảm giác đau hơn.
4. Thay đổi vị trí
Để là giảm mức độ những cơn đau đẻ khi chuyển dạ, mẹ bầu nên thay đổi vị trí đứng, ngồi, nằm liên tục khi chuyển dạ bởi việc di chuyển sẽ giúp quá trình sinh nở được dễ dàng hơn và còn giúp các mẹ bầu đỡ đau.
5. Ngâm mình trong nước + chườm lạnh hoặc nóng
Đây là một việc làm đơn giản nhưng lại có tác dụng tích cực trong quá trình sinh nở. Khi xuất hiện dấu hiệu chuyển dạ, mẹ bầu có thể ngâm mình trong bồn tắm chuyên dụng dành cho bà bầu. Theo nhiều nghiên cứu, việc ngâm mình trong nước mang lại nhiều lợi ích tích cực như giảm khó chịu và thư giãn cơ bắp.
Tiếp thêm độ lạnh hoặc nóng vào cơ thể giúp làm giãn các cơ và hồi sinh năng lượng trong quá trình chuyển dạ. Mẹ bầu nên đặt những chiếc khăn lạnh hoặc nóng trên lưng, cổ hoặc trán.
6. Tập thở
Mẹ bầu nên có những bài tập thở trước khi sinh để không phải bỡ ngỡ khi những cơn đau đẻ bắt đầu.
Khi bắt đầu cảm nhận đau, nghĩa là khi bắt đầu thì co, có cơn co xuất hiện mẹ bầu nên tập trung vào hơi thở để tập thở nhanh dần. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Cơn đau càng tăng thì thở càng nhanh hơn và nông hơn, tần suất nhịp thở tăng dần ở thì kéo dài. Cảm nhận đau càng nhiều thì thở càng nhanh hơn. Đến khi cảm nhận bớt đau thì thở chậm lại và thở sâu hơn, tần suất nhịp thở giảm dần.
Để sinh thường chỉ còn chuyện nhỏ - 3
Dựa theo tính chất chu kỳ của cơn gò tử cung, mẹ bầu chú ý tập trung vào hơi thở:
- Trước khi có cơn co bắt đầu: hít sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng.
- Bắt đầu có cơn co: thở nhanh và nông.
- Cổ tử cung mở từ 1-4 cm: tư thế ngồi thư giãn, thở bằng cánh mũi, miệng ngậm lại.
- Cổ tử cung mở từ 4-8 cm: tư thế nằm thư giãn, có thể nằm nghiêng hay ngửa, thở cạn và nhanh theo cơn co tử cung đến khi cơn co đạt tối đa rồi cơn co sẽ giảm dần, nhịp thở cũng nông và chậm dần đến khi hết cơn co.
- Khi hết cơn co: hít thở sâu 2 nhịp. Sau đó thở bình thường, nằm thư giãn.
7. Tập rặn
Nếu rặn đẻ đúng cách việc sinh nở sẽ dễ dàng hơn. Mẹ bầu không nên rặn sớm quá hay rặn không đúng sẽ làm cho cuộc chuyển dạ kéo dài gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con. Theo các chuyên gia khoa sản, nhiều trường hợp chị em còn không biết rặn đẻ và lười rặn đẻ, điều này dẫn đến việc cổ tử cung khó mở nên các ca sinh thường kéo dài thời gian hơn.
Khi cảm nhận được cơn co tử cung, tức là bụng gò cứng dần và xuất hiện cơn đau, mẹ bầu nên hít vào một hơi thở sâu. Sau đó nín thở, miệng ngậm chặt, hai tay nắm chặt vào hai thành của bàn sinh, dồn hơi rặn mạnh để đẩy hơi xuống vùng bụng dưới. Khi cảm thấy sắp hết hơi nhưng vẫn còn đau có thể hít vào một hơi khác và rặn tiếp tục cho đến khi hết cảm thấy đau bụng nữa. Đặt biệt là phải giữ để khi rặn thì miệng không được phát ra bất cứ âm thanh nào.
|