Căn bệnh ung thư cổ tử cung đã trở thành nỗi khiếp sợ to lớn với nữ giới khi mà tần suất mắc trong độ tuổi sinh đẻ đã lên đến 17%.
Tuy nhiên, các chuyên gia trấn an rằng, có một sự hiểu nhầm nhất định về căn bệnh này bởi không phải ai nhiễm virus HPV là sẽ mắc bệnh.
80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, theo thống kê ở nước ta hiện nay, mỗi năm có khoảng 5.170 ca mắc ung thư cổ tử cung mới, gần 2.500 ca ung thư cổ tử cung tử vong, tần suất mắc trong dân số là 11,4/ 100.000 dân. Đây được coi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ với bình quân 10 ca tử vong mỗi ngày do căn bệnh này. Nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra, trong khi tỷ lệ nhiễm virus HPV ở phụ nữ nước ta rất cao. Cụ thể, phụ nữ từ 40-49 tuổi, tỷ lệ nhiễm HPV lên đến 43%, phụ nữ nhóm 30-39 tuổi có tỷ lệ nhiễm là 24%, nhóm 18-29 tuổi cũng có tỷ lệ nhiễm là 11%. Điều khó khăn nhất là virus này khi xâm nhập vào tế bào cơ thể rất khó phát hiện, cơ thể cũng không tự sinh ra được kháng thể đáp ứng chuyên biệt để chống chọi nên khó cứu chữa.
|
Ung thư cổ tử cung có liên quan mật thiết với độ tuổi, mức độ quan hệ tình dục. |
Ông Hiển nhấn mạnh, hiện đang có một số cách hiểu chưa đúng về HPV, khiến dư luận, nhất là giới phụ nữ hoang mang. Rất nhiều người nghĩ rằng cứ nhiễm HPV sẽ mắc ung thư cổ tử cung hay đã được tầm soát, xét nghiệp PAP ở bệnh viện cho thấy nhiễm HPV là đã mắc bệnh. Thực tế, độ chính xác của biện pháp tầm soát bằng xét nghiệm nhanh PAP không cao, chỉ khoảng 50-60% cho nên người đã được xét nghiệm dương tính với virus này cũng chưa thể khẳng định ngay được.
Tình dục càng nhiều càng dễ mắc
Một nghiên cứu thú vị là ung thư cổ tử cungcó liên quan mật thiết với độ tuổi, mức độ quan hệ tình dục. Thực tế khoảng 80% người trong độ tuổi sinh sản (15-49 tuổi) có nguy cơ nhiễm HPV ở một thời điểm nào đó. Nguyên nhân là do virus HPV lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, thâm nhập qua các vết trầy xước, vết loét dù rất nhỏ. Ngoài ra, HPV cũng có thể lây từ mẹ sang con hoặc lây qua các vật truyền như đồ lót, găng phẫu thuật… nhưng tỷ lệ ít hơn. Ths.BS Lê Thị Kiều Dung, ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao đến đâu còn phụ thuộc vào số lượng bạn tình, tần số giao hợp, vệ sinh bộ phận sinh dục, số con… của người phụ nữ. Do đó, quan hệ tình dục càng sớm, càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung càng cao.
TS.BS Cao Hữu Nghĩa, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, đường lây chính của ung thư cổ tử cung là nhiễm qua tiếp xúc da, niêm mạc dương vật với niêm mạc cổ tử cung, âm đạo chứ không qua đường máu hoặc qua các dịch khác của cơ thể (tinh dịch, dịch âm đạo…). Nam cũng như nữ đều có khả năng bị HPV tấn công. Riêng ở nữ giới, nguy cơ nhiễm cao nhất là ở thời điểm bắt đầu có quan hệ tình dục và nhiều trường hợp nhiễm dai dẳng ở cổ tử cung tiến triển thành các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung.
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, ung thư cổ tử cung là loại ung thư có thể phòng tránh được và biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất là vaccine. Ở nước ta, vaccine ngừa ung thư cổ tử cung đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ năm 2008 với chỉ định ngăn ngừa ung thư cổ tử cung cho trẻ em gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi. Vaccine này chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi phụ nữ chưa có quan hệ tình dục. Cũng như các loại vaccine khác, việc tiêm vaccine phòng ngừa nhiễm HPV không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Trong khi đó, các biện pháp tầm soát ung thư vẫn được duy trì nhưng hiệu quả chưa cao do các phòng xét nghiệm chưa đồng bộ. Còn biện pháp phòng bệnh thụ động nhất là… không quan hệ tình dục thì khó khả thi.
|