Lời khuyên của bác sĩ để phòng ngừa ung thư vú hiệu quả
Ngày cập nhật: 20/12/2022 16:36:05
Có thể phòng ngừa ung thư vú bằng những thói quen lành mạnh như hạn chế uống rượu và duy trì hoạt động thể chất.
Nghiên cứu cho thấy thay đổi lối sống có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, ngay cả ở những phụ nữ có nguy cơ cao.
Theo Cơ quan ghi nhận ung thư quốc tế (IARC), chỉ tính riêng bệnh ung thư vú, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 1,7 triệu người mới mắc và 520.000 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam, theo ghi nhận ung thư ở Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành, mỗi năm trên toàn quốc ước tính có khoảng 15.000 người mới mắc ung thư vú chiếm khoảng 10% trong tổng số các loại ung thư.
Nguyên nhân gây ung thư vú chia làm 2 nhóm chính: nguyên nhân tác động từ bên ngoài và nguyên nhân tác động từ bên trong. Trong bài viết này, bác sĩ sẽ chia sẻ những nguyên nhân và cách phòng ngừa ung thư do các tác động từ bên ngoài tới cơ thể.
Nguyên nhân tác động từ bên ngoài gây ung thư vú
- Hóa chất độc hại: Các chất hóa học trong môi trường có đặc tính giống estrogen cần được quan tâm đặc biệt. Ví dụ, các chất được tìm thấy trong một số loại nhựa, một số mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc trừ sâu và PCB (biphenyl polychlorin hóa). Về lý thuyết, những hóa chất này đều có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú.
- Tia phóng xạ: Các bức xạ ion hóa như tia phóng xạ phát ra từ các máy chiếu chụp X-quang và các chất phóng xạ dùng trong y học và một số ngành khoa học, có khả năng gây tổn thương gen và sự phát triển tế bào khi bị chiếu xạ. Tác động của tia phóng xạ gây ung thư phụ thuộc vào tuổi tiếp xúc: càng nhỏ tuổi càng nguy hiểm (nhất là khi còn là bào thai), liều lượng tiếp xúc càng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư càng cao và các cơ quan nhạy cảm với tia phóng xạ như tuyến giáp, tủy xương.
- Môi trường sống: Ngày nay, có nhiều các hóa chất tổng hợp (nhân tạo) trong cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi đáng kể cấu tạo hóa học của môi trường bên trong và bên ngoài cơ thể chúng ta. Từ đồ dùng sinh hoạt, ô nhiễm vệ sinh không khí xung quanh (khói bụi ô tô xe máy, khói thuốc lá, khói từ thức ăn bị cháy…), an toàn thực phẩm, hóa mỹ phẩm… Một số chất ô nhiễm có thể trực tiếp gây hại cho gen của chúng ta. Nguy cơ gia tăng về ung thư vú có thể là kết quả của việc tiếp xúc với hóa chất trong quá trình phát triển vú và các hoạt động tế bào hàng ngày.
- Công việc: Công việc có liên quan trực tiếp đến môi trường sống bao gồm các yếu tố vật lý và hóa học có tác động trực tiếp đến các cơ quan như da, hệ thống hô hấp và hệ tiết niệu. Ví dụ những hóa chất trong ngành dệt chống bẩn và thậm chí là chất khử trùng có trong nước uống; các dung dịch tẩy rửa như methylene chloride; Phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp ô tô và đóng hộp – cả hai đều sử dụng phthalates trong sản xuất – tăng gấp năm lần nguy cơ ung thư vú…
Một số biện pháp phòng ngừa ung thư vú do tác nhân từ bên ngoài
Có nhiều yếu tố trong suốt cuộc đời có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú. Một số yếu tố không thể thay đổi như tuổi tác hoặc tiền sử gia đình. Tuy nhiên bạn có thể giảm nguy cơ ung thư vú từ các tác động bên ngoài bằng cách thay đổi lối sống theo những cách sau:
Tránh xa hoặc giảm thiểu tối đa các yếu tố độc hại mà bạn phải tiếp xúc hằng ngày.
Nếu bạn làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ độc hại gây ung thư vú, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng hộ. Ngoài ra, việc lựa chọn các sản phẩm gia dụng, thực phẩm… cho gia đình cũng cần đặc biệt lưu ý về các thành phần gây ung thư vú.
Cải thiện chế độ ăn uống và sinh hoạt để phòng ngừa ung thư vú
Hạn chế rượu bia: Càng uống nhiều rượu, nguy cơ phát triển ung thư vú càng cao. Khuyến nghị chung - dựa trên nghiên cứu về tác động của rượu đối với nguy cơ ung thư vú - là hạn chế uống quá một ly mỗi ngày. Vì ngay cả một lượng nhỏ rượu cũng làm tăng nguy cơ.
Không hút thuốc lá: Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư gần đây đã đưa ra một số bằng chứng cho thấy hút thuốc lá gây ra ung thư vú ở phụ nữ. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn 60%, và trung bình, họ được chẩn đoán mắc bệnh sớm hơn người không hút thuốc 8 năm. Hút thuốc lá thụ động thường xuyên trong một thời gian dài làm tăng bình quân 27% nguy cơ mắc ung thư vú ở những phụ nữ không bao giờ hút. Trong một vài nghiên cứu, nguy cơ này còn lên tới 80-90%.
Duy cân nặng hợp lý: Nếu cân nặng của bạn khỏe mạnh, hãy cố gắng duy trì cân nặng đó. Sau khi mãn kinh, hầu hết estrogen từ mô mỡ, nhiều mô mỡ sẽ làm tăng lượng estrogen, làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nếu bạn cần giảm cân, hãy hỏi bác sĩ về các chiến lược lành mạnh để thực hiện điều này. Giảm số lượng calo bạn ăn mỗi ngày và từ từ tăng cường độ tập thể dục. Tập thể dục: Các hoạt động thể chất có thể giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa ung thư vú. . Nghiên cứu cho thấy rằng hoạt động thể chất tăng lên, ngay cả khi bắt đầu muộn hơn trong cuộc đời, làm giảm ít nhất 10% nguy cơ ung thư vú nói chung.
Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: Ăn nhiều rau và trái cây đặc biệt là loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn… Cố gắng hạn chế lượng chất béo bão hòa của bạn xuống dưới 10% tổng lượng calo mỗi ngày và hạn chế lượng chất béo của bạn ở mức khoảng 30 gam mỗi ngày. Ăn thực phẩm giàu axit béo omega-3, tránh chất béo chuyển hóa, thịt và thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có cồn, các chất kích thích.
Cho trẻ bú sữa mẹ nếu có thể. Cho con bú có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư vú. Việc cho con bú làm giảm sự tiếp xúc lâu dài với các hoocmon như estrogen, loại hoocmon có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú. Bạn cho con bú càng lâu thì tác dụng bảo vệ càng lớn.
Hạn chế liệu pháp hormone sau mãn kinh. Liệu pháp hormone kết hợp có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về những rủi ro và lợi ích của liệu pháp hormone. Bạn có thể kiểm soát các triệu chứng của mình bằng các liệu pháp và thuốc không dùng nội tiết tố. Nếu bạn quyết định rằng lợi ích của liệu pháp hormone ngắn hạn lớn hơn rủi ro, hãy sử dụng liều thấp nhất phù hợp với bạn và tiếp tục để bác sĩ theo dõi khoảng thời gian bạn dùng hormone.
Thường xuyên kiểm tra vú và khám định kỳ tầm soát ung thư vú. Tự kiểm tra vú có thể giúp bạn tìm hiểu cảm giác bình thường của ngực và giúp bạn dễ dàng nhận thấy và phát hiện bất kỳ thay đổi nào, nhưng tự kiểm tra vú không thể thay thế cho chụp quang tuyến vú.
Quan trọng nhất, để phòng bệnh ung thư vú hiệu quả nhất, bạn cần thăm khám định kỳ và tầm soát ung thư vú để nhanh chóng phát hiện ra những bất thường của cơ thể.