U buồng trứng là bệnh thường gặp ở chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nếu trong thời gian mang thai bị u buồng trứng có nguy hiểm không? Dấu hiệu nào để phát hiện u buồng trứng khi mang thai?
Khi mang mang thai, hoàng thể trong cơ thể người phụ nữ sẽ sản xuất các hormone để nuôi dưỡng và hỗ trợ niêm mạc tử cung phát triển, tạo điều kiện tốt nhất cho phôi thai làm tổ.
Sau đó hoàng thể sẽ teo nhỏ dần, thoái hóa và tiêu biến. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, hoàng thể không mất đi mà vẫn hiện diện trên buồng trứng, tạo thành các nang.
Ngoài ra, trong cơ thể người phụ nữ có thể có nhiều nang buồng trứng và tồn tại trong suốt thai kỳ. U nang buồng trứng khi mang thai thường có 2 dạng:
U nang buồng trứng hoàng thể: Lành tính và thường biến mất sau 3 tháng đầu thai kỳ.
U nang buồng trứng thực thể: Thường gặp ở phụ nữ từng nạo hút thai, sảy thai, có thể đã hình thành trong một thời gian khá dài.
Hầu hết các u nang không gây ra triệu chứng, nhất là ở giai đoạn đầu. Người bệnh có thể chỉ có những dấu hiệu mơ hồ như: đau lưng, hơi căng bụng, trằn bụng, thấy bụng to hơn (dấu hiệu này ở phụ nữ mang thai thường khó phát hiện hơn)…
Khi dấu hiệu trở nên rõ ràng hơn như đau bụng dưới (vùng bụng dưới hoặc vùng chậu ở phía có u nang). Nếu u nang buồng trứng bị vỡ, cơn đau có thể vừa phải hoặc đột ngột và dữ dội hơn. Đặc biệt rất đau đớn trong trường hợp buồng trứng bị xoắn.
Khi có dấu hiệu gầy yếu, sụt cân, đau bụng liên tục, khó thở, bụng chướng… thì có thể là dấu hiệu của biến chứng chèn ép hoặc u buồng trứng bị xoắn, bị vỡ hoặc thoái hóa thành ung thư buồng trứng.
2. U buồng trứng khi mang thai có nguy hiểm?
U buồng trứng khi mang thai có thể gây sảy thai do hoàng thể phát triển không đầy đủ trong những tuần đầu của thai nghén dẫn đến sảy thai hoặc do khối u chèn ép vào tử cung, kích thích tử cung, làm cho tử cung co bóp nên thai bị đẩy ra ngoài.
Hoặc thai nhi vẫn phát triển bình thường nhưng nhưng về sau, khối u to chèn ép tử cung, kích thích co bóp gây đẻ non.
Loại u to, dạng đặc có thể chèn ép lên tử cung cản trở sự phát triển của tử cung đang mang thai nhi, chèn ép lên ruột, bàng quang gây bí tiểu, táo bón cho thai phụ.
Ngoài ra, khối u buồng trứng có thể cản trở sự bình chỉnh ngôi thai do khối u của buồng trứng chèn ép vào tử cung khiến ngôi thai bất thường như ngôi ngang, ngôi ngược... Khối u cũng có thể cản trở tiến triển quá trình chuyển dạ nên phải mổ lấy thai.
Biến chứng xoắn thường gặp ở thời kỳ hậu sản khi sản phụ vừa sinh xong, kích thước tử cung thu nhỏ lại làm ổ bụng trống và u sẽ dễ bị xoắn cuống.
Biến chứng hóa ác tính có thể xảy ra khi vừa có khối u xuất hiện hoặc sau một thời gian u nằm trong ổ bụng mà không được phát hiện và phẫu thuật cắt bỏ sớm.
3. Làm gì để phát hiện và điều trị hiệu quả u buồng trứng khi mang thai?
U buồng trứng khi mang thai có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, để có một thai kỳ khỏe mạnh, phụ nữ khi có ý định mang thai cần đi khám sức khỏe toàn diện để đảm bảo sức khỏe cho sự phát triển của thai nhi.
Khi có thai, phải đi khám ngay từ tháng đầu tiên để được xét nghiệm, trong đó có siêu âm phát hiện u buồng trứng để được theo dõi, điều trị thích hợp. Nếu phát hiện có u buồng trứng, các bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình mang thai để đảm bảo u buồng trứng không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng đối với thai kỳ.
Hầu hết các u nang buồng trứng khi mang thai đều có thể tự biến mất trong thai kỳ mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, nếu xảy ra các trường hợp cấp tính như xoắn buồng trứng, sản phụ cần được can thiệp kịp thời bằng phẫu thuật.
Trường hợp u buồng trứng tiếp tục phát triển và có nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ sẽ được cân nhắc can thiệp chủ động vào 3 tháng giữa thai kỳ để không làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Vì vậy, thai phụ cần lưu ý, việc đi khám và siêu âm thai sớm để phát hiện u buồng trứng là rất quan trọng. Nếu khám phát hiện muộn sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cả mẹ lẫn con.