Những bất thường ở tử cung có nhiều loại, có khi là những dị tật bẩm sinh, có khi là bệnh mắc phải… Dù là do nguyên nhân nào thì cũng cần phải được tìm hiểu, thăm khám và điều trị sớm nhất có thể để không bị các biến chứng nguy hiểm đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến thiên chức làm mẹ.
Bất thường bẩm sinh
- Không có tử cung: dị tật bẩm sinh không có tử cung chính là tử cung bị teo đi, chỉ còn lại vết tích bào thai và một màng mỏng ở vị trí của tử cung. Hầu hết những người mắc dị tật này thường kèm theo không có âm đạo, nhưng buồng trứng, ống dẫn trứng vẫn hoạt động bình thường. Bệnh nhân phát triển thể chất, giới tính bình thường.
- Tử cung đôi: Có 2 tử cung, mỗi tử cung có một cổ tử cung riêng biệt kèm theo 2 âm đạo. Có 2 tử cung, 2 cổ tử cung nhưng lại chỉ một âm đạo. Có 2 tử cung nhưng lại chung nhau một cổ tử cung. Dị tật này gây vô sinh vì khối lượng của mỗi tử cung quá nhỏ.
- Nhi hóa tử cung. Nguyên nhân thường gặp là do nội tiết tố giảm hay cơ thể tiết nội tiết tố nữ dưới mức nhu cầu cần thiết của cơ thể. Khi bị nhi hóa tử cung, bạn không có kinh từ nhỏ, kinh nguyệt rất ít, kinh thưa và không đều, kích thước chỉ bằng tử cung của các bé gái.
- Khi thăm khám, bác sĩ dựa vào khám phụ khoa bao gồm âm hộ, âm đạo, tử cung và hai phần phụ có bất thường hay không. Trường hợp có tử cung nhi tính thường kèm theo không có buồng trứng hay không có âm đạo do đó không mang thai được.
Những tổn thương bệnh lý
Tử cung là cơ quan dễ bị tổn thương do các bệnh mắc phải. Khi có bệnh, khả năng thụ thai thậm không mang thai được là rất cao. Có thể gặp các trường hợp sau:
Dính tử cung: Dính buồng tử cung là hiện tượng thành tử cung phía trước và thành tử cung phía sau bị dính vào với nhau. Nguyên nhân dính buồng tử cung thường do bị sót nhau thai, hậu quả của việc can thiệp vào tử cung để xử trí các bệnh liên quan, viêm nhiễm phụ khoa kéo dài, tái phát và nạo hút thai gặp biến chứng.
Trường hợp buồng tử cung bị viêm nhiễm, lớp niêm mạc bị tổn thương làm cho buồng tử cung dính các mặt lại với nhau hoàn toàn (sẽ gây vô kinh) hoặc một phần (gây kinh ít và đau bụng kinh). Những tổn thương này ở niêm mạc tử cung khiến trứng thụ tinh không làm tổ được tại đó gây vô sinh.
Bất thường cổ tử cung: Chất dịch nhầy ở cổ tử cung quá ít, kém chất lượng, có kháng thể kháng tinh trùng làm cho tinh trùng khó sống và không thể bơi qua được sẽ làm cho tỷ lệ có thai giảm. Hơn nữa nếu bạn có cấu trúc cổ tử cung bị dị dạng hoặc bịt kín do bẩm sinh, viêm nhiễm cổ tử cung, biến chứng xơ hóa cổ tử cung sau điều trị (đốt lạnh hay đốt điện cổ tử cung), nạo thai, sẩy thai, tổn thương cổ tử cung sau sinh cũng có thể gây ra vô sinh.