Thiếu máu khi mang thai khiến bạn cảm thấy cơ thể yếu và mệt mỏi. Nghiêm trọng hơn, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Khi mang thai, có thể bạn đang có nguy cơ thiếu máu do sắt. Đó là tình trạng cơ thể không đủ các tế bào hồng cầu cần thiết mang oxy đến các cơ quan tổ chức của cơ thể.
Tình trạng thiếu máu khi mang thai
Thiếu máu là tình trạng hàm lượng Hemoglobin (một protein quan trọng của hồng cầu) trong máu dưới 11g/dl. Nguyên nhân là do cơ thể không đủ lượng sắt cần thiết để sản sinh ra Hemoglobin.
Bà bầu bị thiếu máu nhiều hoặc thiếu máu trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp để sức khỏe thai nhai và dẫn đến các biến chứng đáng lo ngại. Do đó, cần duy trì lượng Hemoglobin trong giới hạn, giúp thai nhi phát triển bình thường.
Các dấu hiệu thiếu máu thai kỳ
Khi thiếu máu, cơ thể mẹ bầu sẽ thấy mệt mỏi, uể oải; da môi nhợt nhạt, tái xanh; móng tay dễ gãy.
Các dấu hiệu về tim mạch như tim đập nhanh, khó thở, thở mệt; hay nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.
Ngoài ra, mẹ bầu thường xuyên thấy khó chiu, cáu gắt, khó ở.
Nguyên nhân thiếu máu khi mang thai trong 3 tháng đầu
Mang thai là hoạt động gắng sức kéo dài, không chỉ hao tổn sức lực của người mẹ mà còn lấy đi những năng lượng dự trữ để hình thành thai.
Trong khi đó, người phụ nữ trong giai đoạn sinh sản thường xuyên mất máu trong các chu kỳ kinh nguyệt, vậy nên thường là nhóm đối tượng có nguy cơ thiếu máu cao. Khi có thai, nguy cơ này sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, đôi khi diễn ra các hiện tượng chảy máu âm đạo sinh lý hoặc do bệnh lý. Nếu trong trường hợp xuất huyết sinh lý lượng máu mất đi thường ít, màu đỏ tươi do thai làm tổ trên bề mặt niêm mạc tử cung đang rất tăng sinh mạch máu nuôi, sẵn sàng chào đón phôi đến bám dính.
Nếu lượng máu xuất hiện nhiều, màu đen hoặc đỏ, kéo dài nhiều ngày và kèm theo đau bụng, siêu âm thấy nhau thai bong tróc… thì cần nghĩ đến nguy cơ sảy thai. Khi đó, cần đến bệnh viện gấp để kịp thời cứu chữa, tránh biến chứng như đông máu hoặc chảy máu ồ ạt.
Nguyên nhân gây thiếu máu thai kỳ ở 3 tháng giữa
Ở 3 tháng giữa thai kỳ, thai nhi có tốc độ phát triển nhanh. Việc đó đồng nghĩa với việc nếu chế độ ăn không đầy đủ năng lượng và đa dạng các dưỡng chất cần thiết, người mẹ sẽ đối diện với nguy cơ thiếu máu trầm trọng, gây suy dinh dưỡng bào thai, thậm chí thai nhi sẽ mắc phải các dị tật bẩm sinh.
Nguyên nhân chính dẫn đến thiếu máu trong giai đoạn này chính là sự mất cân bằng “cung-cầu”. Chính vì vậy, cần chú trọng xây dựng thực đơn ăn uống hàng ngày, ưu tiên các thực phẩm có giàu chất sắt.
Bên cạnh đó, để kiểm soát tình trạng thiếu máu, ngoài ăn uống các mẹ cần chủ động bổ sung sắt từ các viên uống. Tuy nhiên, khi uống viên bổ sung sắt cần uống theo chỉ định của bác sĩ.
Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu ở 3 tháng cuối thai kỳ
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, tốc độ phát triển của thai nhi chậm hơn, chủ yếu để thuận tiện cho việc xoay đầu, chuẩn bị tư thế cho việc chuyển dạ.
Một cuộc chuyển dạ sinh thường có nguy cơ mất đi trung bình 500ml máu. Lượng máu này có thể mất gấp đôi nếu như phải phẫu thuật.
Không chỉ như vậy, nếu xảy ra các tai biến hậu sản như bong nhau chậm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản…, nguy cơ mất máu vẫn còn tiếp diễn. Chính vì thế, việc chuẩn bị thể lực cho các bà bầu vượt cạn, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con là việc rất cần được quan tâm không chỉ trong tam cá nguyệt cuối mà suốt cả thai kỳ.
Trong quá trình mang thai luôn phải đối diện với nguy cơ mất máu, thiếu máu. Chính vì thế việc kết hợp chế độ ăn uống dinh dưỡng và bổ sung các viên uống hàng ngày để giảm nguy cơ thiếu máu thai kỳ. |