Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa phổ biến nhất, xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu không chữa trị kịp thời, sẽ gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em.
Viêm âm đạo tuy không gây nguy hiểm ngay nhưng có thể để lại những biến chứng về sinh sản, vô sinh hay ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt vợ chồng.
Viêm âm đạo là gì?
Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị nhiễm khuẩn dẫn đến tiết dịch, ngứa và đau rát. Điều này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở lứa tuổi bắt đầu quan hệ tình dục. Bởi khi đã quan hệ tình dục, nguy cơ bị nhiễm khuẩn, viêm nhiễm cao hơn.
Các dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo
Tiết dịch hay còn gọi là khí hư thay đổi màu sắc, mùi. Bình thường, tiết dịch ở dạng lỏng, trắng trong như lòng trắng trứng, không có mùi. Nếu khí hư ra nhiều hơn, có mùi hôi, tanh hoặc có màu sắc vàng, xanh, vón cục… thì đó là biểu hiện của viêm âm đạo.
Âm đạo hay bị ngứa, rát hoặc bị kích thích. Đặc biệt, thi thoảng chảy máu âm đạo bất thường.
Đau khi quan hệ, đi tiểu.
Màu sắc tiết dịch của âm đạo bị viêm nhiễm:
Nếu tiết dịch có màu trắng xám, mùi hôi, đặc biệt thấy tanh sau khi quan hệ tình dục. Đó là viêm âm đạo do vi khuẩn.
Nếu do nhiễm nấm men, triệu chứng chính là ngứa, tiết dịch dày, đặc như phô mai hoặc khí hư có dạng lỏng như nước, đặc như mủ, màu trắng đục, lợn cợn thành từng mảng. Tất cả kèm theo ngứa xung quan âm hộ, đau rát khi quan hệ, đi tiểu.
Tiết dịch có màu xanh, đôi khi có bọt khí, có mùi hôi khó chịu, thấy ngứa ngáy, đau khi quan hệ. Đó là biểu hiện của viêm do Trichomonas. Loại viêm do sinh vật này chủ yếu lây lan qua đường quan hệ tình dục với người bị nhiễm trùng.
Nguyên nhân
Do thói quen sinh hoạt hàng ngày, mặc quần lót còn ẩm, không thay băng vệ sinh thường xuyên, thụt rửa quá sâu.
Ngoài ra, còn do thói quen sinh hoạt tình dục không an toàn, không vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần quan hệ.
Người có tiền sử nạo thai, phá thai, sảy thai…
Những biến chứng nguy hiểm của viêm âm đạo
1. Viêm nội mạc tử cung
Đây là biến chứng nguy hiểm của viêm âm đạo hoặc do tình trạng viêm âm đạo kéo dài. Nguyên nhân của tình trạng này là do vi khuẩn đi âm đạo ngược dòng lên đường sinh dục. Đặc biệt, những người có tiền sử nạo phá thai, lớp niêm mạc này dễ bị tổn thương hơn.
Bệnh này có thể gây chảy máu âm đạo, sốt và đau vùng chậu. Đây là yếu tố có thể gây vô sinh, áp xe tử cung và nguy hiểm hơn là gây sốc nhiễm trùng.
2. Biến chứng trong giai đoạn thai kỳ
Nếu người mẹ trong quá trình mang thai, người mẹ bị viêm âm đạo sẽ có thể dẫn đến viêm mang ối, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Mẹ có thể sinh thiếu tháng, con nhẹ cân, dễ dẫn đến suy thai. Bé sinh ra nhẹ cân, hệ miễn dịch bị suy giảm.
Mẹ bị viêm âm đạo do nấm thì em bé sinh ra dễ bị mắc các vấn đề về mắt và da.
Viêm âm đạo cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu sản và biến chứng sau khi sinh mổ.
3. Ảnh hưởng đến khả năng mang thai
Môi trường pH bình thường trong âm đạo là điều kiện thuận lợi cho tinh trùng gặp trứng để thụ tinh. Nếu môi trường pH thay đổi, sẽ làm cho tinh trùng gặp trứng khó khăn hơn gây giảm nguy cơ thụ thai, khả năng vô sinh ở nữ cao.
4. Dễ mắc các bệnh truyền nhiễm
Khi âm đạo bị viêm, sức đề kháng giảm là nguy cơ cho các bệnh truyền nhiễm như lậu, giang mai, HIV/AIDS… phát triển.
5. Ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt vợ chồng
Tình trạng âm đạo khô, đau rát khi quan hệ sẽ khiến tâm lý phụ nữ trở nên ngại yêu. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng.
Cách phòng ngừa
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khoa học, từ bỏ thói quen lau từ sau ra trước.
Khi đi vệ sinh, bạn nên lau chùi từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn đến âm đạo.
Không nên sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có tính sát khuẩn mạnh. Nên chọn loại có độ pH phù hợp với môi trường pH của âm đạo để tránh tình trạng bị mất cân bằng.
Không thụt rửa vùng kín bằng các chất tẩy rửa hoặc xà phòng, sữa tắm từ bên ngoài cơ thể.
Quan hệ tình dục an toàn, vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh nhẹ sau khi quan hệ.
Viêm âm đạo kéo dài lâu ngày sẽ là mối lo lắng của nhiều chị em, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Chính vì vậy, hãy có thói quen đi khám định kỳ, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân. |