Đối với các nước đang phát triển ở trong vùng nhiệt đới, vì khí hậu nóng ẩm và tập quán ăn uống, công tác vệ sinh môi trường kém mà đã dẫn đến tình trạng nhiễm giun, sán khá phổ biến. Theo Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) thì có tới 75% người Việt Nam (tương đương 60 triệu người) đang bị mắc các bệnh có liên quan đến giun sán, trong đó, sô trẻ em nhiễm giun lên đến 70-90%.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số nét cơ bản về các bệnh do ký sinh trùng đường ruột gây ra và hiện còn chiếm tỷ lệ cao ở Việt Nam như lỵ amíp, bệnh do giun và sán.
Một số loại ký sinh trùng đáng ngại
Bệnh do amip
Đây là bệnh do nhiễm đơn bào Entamoeba histolytica, là một bệnh xuất hiện toàn thế giới nhưng chủ yếu xuất hiện ở các nước nhiệt đới có điều kiện vệ sinh thấp kém. Bệnh gây ra các tổn thương đặc trưng là loét ở niêm mạc đại tràng và có khả năng gây ra các ổ abces ở những cơ quan khác nhau. Bệnh có xu hướng kéo dài và mạn tính nếu không được điều trị tích cực.
Bệnh lây qua đường tiêu hóa do thức ăn, nước uống nhiễm kén amip.
Biểu hiện giai đoạn cấp là đau bụng, đại tiện nhiều lần 5 – 15 lần/ ngày phân ít hoặc không có, nhiều nhầy mũi máu, đau quặn bụng, đau rát hậu môn, sốt nhẹ; biểu hiện giai đoạn muộn chủ yếu là các triệu chứng đau dọc khung đại tràng, rối loạn tiêu hóa với các đợt táo lỏng xen kẽ; kèm theo có các đợt bùng phát lan tỏa giống giai đoạn cấp. Điều trị hiện nay chủ yếu dùng nhóm imidzole.
Một số bệnh do ký sinh trùng đường ruột gây ra - Sức Khỏe và Cuộc Sống - Chăm sóc sức khỏe - Sức khỏe gia đình
|
Cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ là việc làm cần thiết.
|
Nhiễm giun
Giun kim: là loại giun tròn Enterobius vermicularius dài 1 – 1,5cm, sống ở đoạn cuối hồi tràng và manh tràng; giun cái mang trứng và đẻ ở trực tràng. Giun này chủ yếu gây nhiễm cho trẻ em ở các khu vực tập thể. Nhiễm do thức ăn hoặc nước bẩn có chứa trứng giun, nhiễm tự nhiên ở trẻ em theo đường phân – tay – miệng. Điều trị bằng Mebendazole, flubendazole hoặc albendazole.
Giun đũa: Bệnh do nhiễm loại Ascaris lumbricoides. Giun trưởng thành, sống ở ruột non từ nhiều tháng đến 1 năm rưỡi. Giun cái đẻ trứng theo phân ra ngoài. Lây nhiễm do ăn hoặc uống nước có nhiễm trứng giun đũa. Thời kỳ giun trưởng thành với các biểu hiện rối loạn tiêu hóa không đặc hiệu đau bụng, buồn nôn, nôn khan; ngoài ra giun có thể chui lên ống mật gây đau, viêm đường mật, viêm tụy cấp, tắc ruột… Điều trị bằng Mebendazole, flubendazole hoặc albendazole.
Giun móc: Giun trưởng thành dài 1 – 2 cm sống ở tá tràng và hỗng tràng, chúng hút máu khoảng 0,2ml/ngày, sống trung bình 5 năm do đó gây ra tình trạng thiếu máu nhược sắc nặng. Điều trị bằng Mebendazole, flubendazole hoặc albendazole.
Nhiễm sán
Sán sơ mít: gồm Taenia saginata và Taenia solium, đây là loại giun dẹt có đốt, dài 6 – 10m; sán trưởng thành sống ở ruột non, mỗi đỗt chứa trứng ra ngoài được bò hoặc lợn ăn. Người ăn thịt lợn hoặc bò này không được nấu chín sẽ mắc bệnh. Điều trị bằng Nicosamid hoặc praziquantel.
Sán lá gan lớn: do nhiễm loài sán Fasciola hepatica. Sán trưởng thành sống trong đường mật của bệnh nhân, đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài, phát triển thành các mao ấu trùng, đóng kén vào các cây sống dưới nước, người ăn phải chúng sẽ vào ống tiêu hóa, đến gan và phát triển trong đường mật. Điều trị đặc hiệu bằng bithionol.
Sán lá gan nhỏ: con trưởng thành sống ở đường mật, đôi khi sống trong ống tuỵ. Trứng nở trong nước hoặc được ốc ăn vào sẽ nở thành ấu trùng, ấu trùng thâm nhập vào cá, đóng nang, người ăn phải loại cá này chưa nấu chín (chủ yếu do tập quán ăn gỏi cá) sẽ mắc bệnh. Điều trị chủ yếu bằng praziquantel.
Một số bệnh do ký sinh trùng đường ruột gây ra - Sức Khỏe và Cuộc Sống - Chăm sóc sức khỏe - Sức khỏe gia đình
Cách phòng và chữa bệnh giun sán:
Giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống cho trẻ. Rửa tay sạch trước khi ăn, lau dọn nhà cửa sạch sẽ.
Tập cho trẻ thói quen rửa tay chân sạch sẽ trước khi ăn.
Thức ăn cho trẻ phải luôn luôn nấu chín, nước uống phải được đun sôi để nguội. Nếu cho trẻ ăn trái cây hoặc rau sống thì phải rửa bằng dung dịch rửa rau quả, khử trùng bằng máy ozon, thuốc tím hoặc ngâm muối và rửa lại nhiều lần dưới vòi nước đang chảy.
Không để trẻ nằm, bò trườn dưới đất, không để trẻ mặc quần bị thủng đít.
Vệ sinh tay chân, cắt móng tay, móng chân sạch sẽ, không đi chân đất.
Quần áo của trẻ bị nhiễm giun cũng phải được phơi ở những nơi nhiều nắng để diệt trứng giun.
Uống thuốc sổ giun định kỳ 6 tháng một lần. Loại thuốc thường cho trẻ uống là piperazin. Ngoài ra còn có thể uống tẩy giun bằng phương pháp dân gian bằng hạt bí ngô hoặc dương xỉ đực, nước sắc hạt cau…
Tất cả mọi người trong gia đình, kể cả người lớn đều phải chữa trị cùng một lúc với cháu bé thì mới trị hết được.
Đối với trẻ đã tẩy giun rồi mà vẫn còn xanh xao, gầy yếu, kém ăn, cần phải kiểm tra xem có loại giun sán gì khác nữa không, hoặc có thể trẻ bị bệnh khác như còi xương, suy dinh dưỡng, sơ nhiễm lao… để chữa trị cho đúng hướng.
|