Rong kinh tuổi dậy thì có phải là hiện tượng nguy hiểm với sức khoẻ của con? Mẹ có thể tự mua thuốc tránh thai để giúp con điều hoà kinh nguyệt không? Hãy tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Tuổi dậy thì ở bé gái lúc mấy tuổi và có thay đổi gì?
Giai đoạn dậy thì là khoảng thời gian đứa con bé bỏng của bạn sẽ có những thay đổi trên cơ thể lẫn tinh thần để dần thành người trưởng thành. Độ tuổi dậy thì sẽ dao động từ 8-13 tuổi. Dậy thì sớm ở bé gái được xác định là trước 8 tuổi. Còn một bé gái 13 tuổi mà ngực chưa phát triển thì được coi là dậy thì trễ.
|
Vào độ tuổi dậy, não sẽ bắt đầu phát tín hiệu đến một số bộ phận của cơ thể để bắt đầu phát triển và thay đổi. Những tín hiệu này được gọi là hormone. Hormone là hóa chất kiểm soát các chức năng cơ thể. Đây có thể gọi là độ tuổi bướng bỉnh của con mà ba mẹ nào cũng phải trải qua.
Những thay đổi trong độ tuổi dậy thì của bé gái
• Phát triển về chiều cao và cân nặng
• Hông có thể rộng hơn
• Vòng một (ngực) phát triển
• Mọc lông mu, lông nách
• Mùi cơ thể thay đổi
• Nổi mụn trứng cá
• Xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên
Vì sao bé gái lại bị rong kinh tuổi dậy thì?
Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài trên bảy ngày, có tính chu kỳ lặp đi lặp lại theo chu kỳ kinh nguyệt. Ở lứa tuổi nào cũng có thể gặp trường hợp rong kinh. Nhưng với trẻ vị thành niên, giai đoạn tuổi dậy thì chu kỳ kinh nguyệt chưa thực sự hoàn chỉnh. Do đó, sự bài tiết hormone có nguy cơ bị rối loạn.
|
Chu kỳ kinh nguyệt bất thường xảy ra ở lứa tuổi này, và thường sẽ tự hết. Tuy nhiên, nếu tình trạng rối loạn kéo dài, hoặc dẫn đến rong huyết thì có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi bị rong kinh, máu sẽ không ra ồ ạt mà chỉ một chút, có khi không ướt hết một băng vệ sinh. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Máu kinh ra nhiều trong vài tháng có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, dễ nhiễm trùng. Bé lại đang ở tuổi dậy thì nên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển việc học tập của con. Đồng thời, bé có thể bị suy nhược cơ thể.
Ngoài ra, rong kinh tuổi dậy thì còn là dấu hiệu tiềm ẩn trong hệ sinh dục hay các bệnh lý huyết học, các rối loạn đông cầm máu. Do đó, khi thấy có dấu hiệu rong kinh tuổi dậy thì, mẹ nên cho con đi bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
Có nên cho trẻ uống thuốc tránh thai để điều trị rong kinh tuổi dậy thì?
Theo Bác sĩ Lê Văn Hiền, phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Phụ sản Mê Kông (TP.HCM) thì trong phương pháp điều trị rong kinh có sử dụng viên thuốc tránh thai kết hợp vì có thể điều chỉnh chu kỳ kinh tốt, giảm lượng máu mất, an toàn.
|
Tuy nhiên nếu sử dụng những viên thuốc ngừa thai trên một hệ thống chưa hoàn chỉnh, non nớt như trẻ mới dậy thì có thể gây ức chế mạnh và kéo dài. Như vậy có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản của các bé gái.
Do đó, phụ huynh tuyệt đối không được tự ý mua và cho con sử dụng để điều trị rong kinh tuổi dậy thì. Bé chỉ được dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ và trong thời gian ngắn.
Cách ba mẹ giúp con phòng ngừa rong kinh tuổi dậy thì
• Tránh cho con ăn thức ăn nhiều chất béo. Bổ sung nhiều chất xơ, những món ăn giàu sắt, protein như rau bó xôi, các loại hạt, ức gà, cá, ngũ cốc... thường xuyên.
• Giúp con cân bằng giữa việc học tập và thư giãn. Tránh tạo áp lực quá mức trong thi cử, hoặc stress trong cuộc sống với bé.
• Dạy con cách vệ sinh cá nhân kỹ càng, tắm rửa sạch sẽ, thay đồ lót hàng ngày. Đặc biệt là cách vệ sinh vùng kín.
• Khuyến khích con tập thể dục để rèn luyện thể chất và giữ tinh thần lạc yêu đời
• Trò chuyện, tâm sự với con để hiểu tâm tư tình cảm và những thay đổi trong giai đoạn dậy thì của bé
Ba mẹ không cần phải hốt hoảng nếu bé bị rong kinh tuổi dậy thì vì đây là hiện tượng khá phổ biến. Nếu được can thiệp kịp thời và đúng cách thì rất dễ được điều chỉnh và con sẽ quay lại cuộc sống đầy năng lượng.
|