4 câu hỏi không thể bỏ qua trong những tháng cuối thai kỳ
Ngày cập nhật: 26/06/2022 09:44:43
Đây là 4 câu hỏi rất quan trọng, mẹ bầu đừng quên hỏi bác sĩ nhé!
Trong tam cá nguyệt thứ 3, mẹ bầu thường cảm thấy lo lắng và bồn chồn nhiều hơn. Họ sợ em bé trong bụng có vấn đề nên tần suất ghé tới các phòng khám sản khoa cũng nhiều hơn. Đặc biệt, có 4 vấn đề dưới đây nhất định mẹ bầu đừng quên hỏi bác sĩ.
4 câu hỏi mẹ bầu cần hỏi bác sĩ vào tháng cuối của thai kỳ
1. Thai nhi đã vào vị trí chính xác chưa, có thể sinh thường được không?
Vào thời điểm này, việc kiểm tra vị trí thai nhi trong tử cung rất quan trọng. Khi thai nhi được 7 tháng, bác sĩ sẽ siêu âm để biết em bé đã vào đúng vị trí chưa. Vì nếu em bé không vào vị trí thích hợp trong những tháng cuối, điều đó không có lợi cho việc chuyển dạ.
Việc siêu âm, kiểm tra kịp thời, phát hiện sớm các vấn đề bất thường vào tuần thứ 30 – 32 có thể giúp bác sĩ đưa những phương pháp thích hợp để điều chỉnh ngôi thai của em bé.
Bên cạnh đó, trong trường hợp nếu phát hiện ngôi thai không thuận trước ngày dự sinh, mẹ bầu cần hỏi bác sĩ xem liệu có thể sinh thường hay không.
2. Độ trưởng thành của nhau thai có đang diễn ra bình thường không?
Tùy theo cơ địa của mỗi mẹ bầu mà sự trưởng thành của nhau thai sẽ khác nhau, nó được chia thành 4 cấp: Cấp 0 là nhau thai chưa trưởng thành (12 – 28 tuần tuổi), cấp 1 là nhau thai đang trong giai đoạn trưởng thành (30 – 32 tuần tuổi), cấp 2 là nhau thai đã trưởng thành (sau 36 tuần tuổi), cấp 3 là nhau thai bị lão hóa, do vôi hóa (vượt quá ngày dự sinh).
Khi khám thai, bác sĩ sẽ quan sát sự trưởng thành của nhau thai, khi ở cấp độ 2 có nghĩa em bé đang háo hức chào đời. Nếu nhau thai rơi vào cấp độ 3, chức năng oxy trong máu của nhau thai đã bắt đầu suy yếu dần, em bé có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Do đó, nếu bác sĩ nhận định độ trưởng thành của nhau thai cấp 3 mà cơ thể mẹ bầu chưa có tín hiệu sinh nở thì cần phải sinh mổ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và nghiêm trọng dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Vì vậy, việc mẹ bầu cần biết quá trình trưởng thành của nhau thai rất quan trọng.
3. Nước ối có bình thường không?
Nước ối bất thường chẳng hạn như bị đục, thiểu ối, đa ối… Dù là trường hợp này đi chăng nữa, nếu ít thì có thể điều chỉnh kịp thời, bổ sung lượng nước theo lời khuyên của bác sĩ là có thể cải thiện được những vấn đề này.
Tuy nhiên, nếu nước ối quá đục, rất có thể nó bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của thai nhi. Bác sĩ có thể can thiệp để em bé chào đời sớm nhằm bảo vệ tính mạng cho em bé.
4. Lần khám thai tiếp theo là khi nào?
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là tháng cuối cùng, số lần đi khám sức khỏe tổng quát của mẹ bầu sẽ ngày càng nhiều hơn. Về cơ bản thì cần kiểm tra 1 lần/tuần, thực chất khám ở bệnh viện là để biết được sự phát triển của thai nhi, kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường để có hướng giải quyết bảo vệ sự an toàn của cả mẹ lẫn con.
Vì thế, mẹ bầu nên chú ý mỗi lần khám sản khoa lúc này, cần hỏi bác sĩ thời điểm khám tiếp theo để không bỏ lỡ.
Trong thời điểm này, mẹ bầu cũng cần chú ý tới tư thế thai nhi, để ý kỹ hơn tới sự thay đổi của cơ thể. Bất kỳ sự thay đổi bất thường nào cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển và tính mạng của em bé.