Khi mang thai, mẹ bầu trải qua rất nhiều những thay đổi về tâm lý và thể chất, một trong số đó là tình trạng bị ngứa khi mang bầu. Bị ngứa khi mang thai là tình trạng thường gặp. Ngứa xảy ra do những thay đổi về cơ thể, hormone hay bệnh lý gặp trong thai kỳ. Đa số trường hợp bị ngứa khi mang thai là lành tính không ảnh hưởng tới sức khỏe chỉ gây mất thẩm mỹ và cảm giác khó chịu, tuy nhiên có số ít trường hợp do nguyên nhân bệnh lý có thể ảnh hưởng tới sức khỏe bà bầu và thai nhi.
Nguyên nhân do đâu phụ nữ bị ngứa khi mang thai?
Có tới 40% số phụ nữ khi mang thai gặp phải tình trạng ngứa. Tình trạng ngứa thường do các biến đổi của cơ thể trong khi mang thai. Ngoài ra có thể do bệnh lý ngoài da hay tình trạng ứ mật thai kỳ gây ra.
Một số nguyên nhân thường gặp
- Sự phát triển của thai: Thai phát triển nên tử cung cần to ra để đủ chỗ cho thai nhi. Từ đó gây ra tình trạng rạn da và ngứa. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của ngứa trong khi mang thai.
- Do tăng hormone estrogen: Tăng hormone estrogen làm cho mạch máu giãn và gây ngứa. Dấu hiệu này có thể biến mất tự nhiên sau khi sinh.
- Những yếu tố như bà bầu có tiền sử da khô, mắc chứng chàm hoặc tình trạng dị ứng thì khi mang thai có thể gây ngứa.
- Ứ mật thai kỳ: làm cho mật không lưu thông bình thường trong các ống nhỏ của gan, làm cho muối mật tích tụ ở da và gây ngứa. Ngoài ngứa bà bầu còn có các triệu chứng khác như chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn. Nếu ứ mật nhiều có thể gây ra vàng da. Tình trạng này có ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.
- Viêm nang lông trong thai kỳ: Hay gặp ở quý 3 của thai kỳ, biểu hiện là dát sẩn đỏ ở nang lông, ngứa. Có một số trường hợp bị viêm nang lông do sử dụng dầu dừa để bôi vùng da rạn.
- Viêm da bọng nước: Bệnh này xuất hiện khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ. Lúc đầu, có thể thấy những mảng mề đay, mụn nước mọc ở quanh rốn, đùi. Sau đó, những mụn nước này xuất hiện ở vùng lưng, bàn tay, bàn chân…
Một số nguyên nhân khác gây ngứa khi mang thai
- Tăng cân: Khi mang thai phụ nữ thường có biểu hiện tăng cân nhanh và tập chung ở phần mông, đùi, ngực làm cho da bị rạn, ngứa. Ở những cuối thai kỳ tình trạng này hay gặp.
- Mồ hôi ra nhiều cũng gây ra tình trạng ngứa da
- Ngứa vùng kín: Do nhiễm vi khuẩn, nấm trong quá trình mang thai cơ quan sinh dục ngoài dễ bị tấn công bởi các yếu tố gây bệnh.
Gợi ý giải pháp dành cho mẹ bầu bị ngứa khi mang thai
Không cào, gãi làm tổn thương da
Không nên cào, gãi nhiều khi ngứa. Khi bị ngứa, nếu càng gãi thì lại càng khiến cho lớp da bị ngứa tổn thương, dẫn tới kích thích gây ngứa hơn, còn có thể gây bội nhiễm da ảnh hưởng tới sức khỏe.
Để hạn chế cơn ngứa có thể dùng túi chườm hoặc khăn chườm lên vùng da bị ngứa.
Vệ sinh thân thể giảm tình trạng bị ngứa khi mang thai
Mẹ bầu cần vệ sinh thân thể thường xuyên, đúng cách. Nên tắm thường xuyên bằng nước ấm. Nếu được mẹ nên tắm với yến mạch cũng làm giảm bớt ngứa. Sau khi tắm là thời điểm da mất nước nên sử dụng kem dưỡng ẩm, tránh khô da vì khô da sẽ gây ngứa. Chú ý không ngâm trong nước tắm nóng lâu, vì làm da mất nước gây ra khô da. Đồng thời tránh các loại sữa tắm hay xà bông có độ PH cao dễ gây kích thích da.
Ngoài ra mẹ cũng nên giữ gìn vệ sinh cho cơ quan sinh dục ngoài. Cần chú ý giữ vùng kín luôn được khô thoáng, sạch sẽ. Có thể dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ, nhưng chú ý nên chọn loại phù hợp cho phụ nữ mang thai. Đặc biệt không nên lạm dụng vì chúng có thể làm thay đổi môi trường pH tự nhiên của âm đạo.
Mặc quần áo thoáng mát, dưỡng ẩm cho da
Mẹ nên chọn mặc những loại quần áo thoáng thấm mồ hôi. Hãy tránh xa những nơi nắng nóng oi bức để hạn chế ra mồ hôi. Ngoài ra nên tránh những nơi nhiều bụi bẩn có chứa tác nhân gây dị ứng, ngứa
Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm hay tinh dầu được chiết xuất từ các thành phần tự nhiên như dầu hạnh nhân, hướng dương… giúp giảm khô da, hạn chế rạn da. Thời điểm bôi chất dưỡng ẩm tốt nhất là sau khi tắm, trước khi đi ngủ. Chú ý khi bôi đối với vùng bụng, nên bôi một cách nhẹ nhàng, tránh kích thích gây co bóp tử cung.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lí
Nên ăn uống đủ dinh dưỡng chú ý bổ sung tăng cường các loại thức ăn giàu vitamin A và D, tránh đồ ăn cay nóng. Uống đủ nước mỗi ngày khoảng 1,5 đến 2 lít nước.
Khi tình trạng ngứa trở nên nặng, mẹ cần đi khám và điều trị. Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý là ngứa đi kèm vàng da, rối loạn tiêu hóa. Nếu ngứa, phát ban và sốt là dấu hiệu của nhiễm trùng phát ban. Đặc biệt ngứa vùng kín là dấu hiệu của nấm âm đạo và các bệnh liên quan đến phụ sản khác. |