Tháng đầu mang thai thường khá "nhạy cảm", có thể xảy ra những biến cố nguy hiểm cho cả mẹ và con nên bà bầu cần có những lưu ý đặc biệt.
Tháng đầu mang thai, mẹ cần lưu ý những vấn đề gì?
1. Đề phòng sảy thai
Đây là giai đoạn mà thai nhi mới hình thành, phôi thai vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Do vậy, những tác động bên ngoài như nhiễm virut từ thức ăn hay của người mang bệnh, làm việc quá sức.. đều có thể bị ảnh hưởng và dẫn đến sảy thai. Để đề phòng, bạn cần đảm bảo chế độ ăn uống hợp vệ sinh, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lây nhiễm bệnh từ người khác.. Nếu phát hiện có các dấu hiệu bất thường như đau bụng dưới, chảy máu âm đạo…, bạn nên đến bệnh viện để kịp thời kiểm tra.
2. Đi đứng
Cũng phải đặc biệt chú ý để đảm bảo an toàn. Bạn cần tránh các động tác của một số việc như điều khiển máy hút bụi, quỳ gối lau nhà, ngồi gập chân ra phía sau, mang xách nhiều đồ, đi xe đạp, ngồi xổm, đứng quá lâu, đứng kiễng chân trên ghế… Bạn nên loại trừ những công việc nặng hoặc các kế hoạch đi xa, vì nó có nguy cơ cao gây tổn hại đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, thậm chỉ dẫn đến sảy thai.
3. Thăm khám
Để biết được thai đã vào tử cung hay chưa, nhịp tim thai có ổn định không, bạn nên thăm khám thường xuyên. Qua đó, bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên về việc sử dụng thuốc, cũng như lịch thăm khám trong cả quá trình mang thai.
4. Ăn uống
Lúc này, cơ thể phát sinh những hormone mới cho phù hợp với sự phát triển của thai nhi, nên sức khỏe thường bị ảnh hưởng (nghén, mệt mỏi, ăn uống kém…). Do vậy, việc ăn uống cần được chú trọng. Bạn không nên ăn kiêng, hãy ăn những gì theo nhu cầu của cơ thể kết hợp uống 1 – 2 cốc sữa/ngày, để đảm bảo đủ dưỡng chất cần thiết. Tuyệt đối tránh các loại thức ăn ôi thiu, quá hạn, nhiều mỡ, khó tiêu và các chất kích thích như cà phê, nước chè, rượu, ớt, tiêu…
5. Tránh xa người bị bệnh
Những tháng đầu mang thai, sức đề kháng của thai phụ rất kém, nên dễ lây nhiễm bệnh từ môi trường xung quanh. Vì thế, bạn cần tránh xa những người bị bệnh, nhất là người mắc bệnh cúm. Lúc này, các bộ phận của thai nhi đang hình thành và phát triển. Vì vậy, nếu mẹ nhiễm cúm sẽ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến dị tật cho em bé như não úng thủy, hở hàm ếch…
6. Quan hệ tình dục
Nên hết sức nhẹ nhàng hoặc giảm hẳn. Nếu quan hệ mạnh hoặc đạt khoái cảm cao, tử cung co bóp liên tục có thể dẫn đến bong rau, khiến thai dễ chết lưu hoặc chảy máu dưới màng nuôi.
7. Vệ sinh cơ thể
Thời điểm này, “vùng kín” rất nhạy cảm, thường ẩm ướt và dễ bị viêm nhiễm, nhất là chứng viêm đường tiết niệu. Bạn nên vệ sinh ít nhất mỗi ngày một lần bằng nước ấm hoặc nước muối nhạt, rửa theo chiều nước chảy, từ vùng xương mu đến hậu môn, để ngăn vi trùng xâm nhập vào âm đạo. Không nên tắm nước có nhiệt độ quá cao (khoảng 35 – 40 độ C là hợp lý), tắm rửa nhanh để tránh cảm cúm và mặc ấm hơn bình thường. |