Chẳng phải tự dưng phụ nữ lại “khiếp sợ” ung thư vú đến vậy, bởi theo một khảo sát thì cứ 8 phụ nữ lại có 1 người mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Ung thư vú được nhiều nghiên cứu công nhận là loại ung thư phổ biến nhất ở nhiều phụ nữ trên thế giới. Ở Mỹ hàng năm có đến 180.000 phụ nữ được chẩn đoán là mắc ung thư vú, nó chỉ xếp sau ung thư phổi và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ trong độ tuổi 45 - 55.
Ung thư vú luôn là "ác mộng" đối với nhiều chị em bởi triệu chứng rất khó phát hiện sớm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuy rất nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm thì vẫn có đến 80% khả năng chữa khỏi, với giai đoạn 2 thì tỷ lệ sẽ giảm xuống 60%. Còn nếu đến giai đoạn 3 và 4 thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống và giảm các triệu chứng đau đớn.
Vậy nên, chị em cần phải phát hiện sớm 3 dấu hiệu minh chứng bệnh đang "tàn phá" cơ thể và đi khám kịp thời:
1. Tiết dịch bất thường ở núm vú
|
Một dấu hiệu khá phổ biến khi ung thư vú bắt đầu di căn chính là tiết dịch bất thường ở núm vú. Nhiều phụ nữ sẽ bắt đầu có sữa, máu hay các dịch nhầy hôi có màu chảy ra từ núm vú khi bệnh khởi phát. Nếu tinh mắt thì chị em sẽ thấy dịch làm ướt cả áo ngực.
Khi mắc bệnh, ngực sẽ có u nhú trong ống tuyến sữa và gây viêm, từ đó khiến dịch bị chảy ra bất thường. Lúc này đừng chủ quan nữa mà phải đến viện ngay để làm nội soi ống tuyến sữa.
2. Có một khối u ở vú
Tuy không nhiều, nhưng một số người đang ở giai đoạn đầu của ung thư vú sẽ có một khối u ở vú. Các loại khối u ác tính này mang đặc điểm là cứng và không đau khi chạm vào, thường hay phát hiện ở vú hoặc nách.
Để phát hiện sớm các cục u, chị em khi tắm nên sờ nắn và kiểm tra vú hàng tháng, đặc biệt là sau kỳ kinh nguyệt bởi lúc này là thời điểm mà vú mềm nhất. Hãy đứng trước gương và kiểm tra hình dạng vú ở tư thế bình thường, sau đó chuyển đổi tư thế hai tay giơ cao và chống vào hông, cuối cùng là kiểm tra vú khi thay đổi tư thế nằm.
3. Thay đổi vùng da ở ngực
Ngoài 2 dấu hiệu trên, thì phụ nữ cũng cần chú ý nếu vùng da ở vú dày hơn, bất thường so với bên vú còn lại. Một khi vùng da này bị co rút, nhăn nheo và xuất hiện các hạt nhỏ ở quầng vú… thì bạn nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa để khám, chẩn đoán và điều trị sớm.
Một số người còn có dấu hiệu tụt hẳn núm vú vào trong, kèm theo biểu hiện cứng và không kéo ra được như bình thường. Nếu bệnh chuyển sang những giai đoạn cuối, nó sẽ xuất hiện lở loét mảng lớn ở đầu vú, đến mức đầu vú sẽ bị khối u xâm lấn và mất đi.
Vậy đâu là yếu tố khiến phụ nữ mắc ung thư vú?
Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ thường đến từ một vài yếu tố hàng đầu như:
- Tuổi tác: Tuổi càng lớn thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú: Nếu có mẹ hay chị gái mắc ung thư vú, bạn cần phải đi khám càng sớm càng tốt để chẩn đoán.
- Uống nhiều đồ uống có cồn.
- Bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt trước 12 tuổi và mãn kinh sau 55 tuổi.
- Sinh con lần đầu khi lớn tuổi, sau tuổi 35 hoặc chưa bao giờ sinh con.
- Béo phì
Phòng tránh ung thư vú không bao giờ là quá muộn
Đầu tiên cần khám sàng lọc ung thư vú và kiểm tra sức khỏe định kỳ, bởi thời kỳ "tiền lâm sàng" của bệnh thường kéo dài từ 8 – 10 năm nên khám càng sớm thì cơ hội chữa khỏi càng cao. Bệnh càng tiến triển về giai đoạn cuối thì điều trị chỉ là biện pháp kéo dài sự sống mà thôi.
Bên cạnh đó, chị em cần phải nâng cao nhận thức về bệnh nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu ban đầu. Hãy cố gắng xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, tăng cường ăn rau xanh và tập thể dục hàng ngày. Quan trọng nhất, cần lưu ý một vài loại thuốc như thuốc chống trầm cảm và lợi tiểu đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
|