Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư phụ khoa phổ biến ở nữ giới. Căn bệnh này diễn tiến âm thầm, lặng lẽ, triệu chứng không rõ rệt.
Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.200 trường hợp phụ nữ được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Hầu hết các trường hợp xuất hiện ở độ tuổi mãn kinh, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn.
Các loại ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là tình trạng hình thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng do sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong. Nếu không điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng sản xuất nội tiết tố, sản xuất tế bào trứng, mang thai của buồng trứng. Ở giai đoạn nặng, tế bào ung thư di căn qua đường máu hoặc đường bạch huyết tới nhiều cơ quan khác của cơ thể và hình thành khối u mới.
Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở các vị trí khác nhau của buồng trứng. Có 03 loại ung thư buồng trứng thường gặp là:
Ung thư biểu mô buồng trứng: chiếm 80-90%.
Ung thư tế bào mầm: chiếm 5-10%.
Ung thư có nguồn gốc mô đệm sinh dục: hiếm gặp hơn.
Trong đó, ung thư biểu mô buồng trứng là một trong những ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh. Loại ung thư này ít có triệu chứng trong giai đoạn đầu, hầu hết các trường hợp chỉ được chẩn đoán khi ung thư đã ở giai đoạn nặng, triển vọng điều trị không tốt.
Ung thư tế bào mầm hay gặp ở phụ nữ trẻ, phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 20. Ung thư tế bào mầm có xu hướng phát triển nhanh nhưng dễ điều trị. Đa phần các trường hợp được phát hiện sớm, ung thư lại có độ nhạy cao với điều trị hóa chất, vì vậy có tỷ lệ chữa khỏi cao, tiên lượng rất tốt.
Ung thư tế bào mô đệm của buồng trứng rất hiếm gặp và phát triển chậm. Các triệu chứng của loại ung thư này khá dễ nhận thấy nên có nhiều khả năng được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, triển vọng điều trị thường tốt.
Các giai đoạn phát triển của ung thư buồng trứng
Giai đoạn 1: Khối u vẫn ở bên trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, chưa lây lan sang các cơ quan khác.
Giai đoạn 2: Khối u vẫn còn trong buồng trứng và ống dẫn trứng những đã bắt đầu lan rộng đến các cơ quan lân cận trong xương chậu.
Giai đoạn 3: Khối u lan rộng hơn nữa, lớn hơn 2cm, thậm chí có thể đã di căn đến các cơ quan xa hơn như gan, lá lách.
Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối, ung thư đã di căn tới nhiều cơ quan khác như lá lách, gan, phổi, não… cũng như các hạch bạch huyết ở háng. Điều trị bệnh ở giai đoạn này rất khó khăn và phức tạp.
Những biểu hiện ban đầu của ung thư buồng trứng
Trong thực tế, chúng ta thường coi nhẹ hoặc hiểu nhầm những dấu hiệu của ung thư buồng trứng là triệu chứng của các căn bệnh nhẹ khác. Hãy luôn chú ý và cảnh giác khi nhận thấy các dấu hiệu sau vì chúng rất có thể là các triệu chứng sớm của ung thư buồng trứng:
Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới
Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón
Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang
Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ
Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt.
Đau khi quan hệ tình dục.
Chẩn đoán ung thư buồng trứng
Để phát hiện bệnh sớm, ngoài biểu hiện lâm sàng các bác sĩ chỉ định làm những xét nghiệm chuyên biệt sau để có phương án điều trị phù hợp.
Siêu âm âm đạo có giá trị cao trong chẩn đoán khối u vùng chậu
Soi dạ dày, soi đại trực tràng (Khi có nghi ngờ ung thư buồng trứng di căn từ đường tiêu hóa)
CT Scan, MRI, PET CT được làm khi có chỉ định lâm sàng
Chụp MRI hay chụp CT: Hình thức kiểm tra bằng chụp MRI hay chụp CT sẽ cho thấy hình ảnh chụp ở các góc nên các bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ ảnh hưởng của khối u trong buồng trứng.
Các bác sĩ cũng có thể sẽ tiến hành xét nghiệm trên mô bệnh phẩm để thấy được sự tăng trưởng của toàn bộ khối u như thế nào, từ đó có cách thức điều trị phù hợp hơn.
Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng
Tùy vào sự tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Ung thư buồng trứng thường được điều trị bằng phẫu thuật, hóa học trị liệu hoặc trị liệu bức xạ.
Bên cạnh điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh cần:
Tái khám đúng hẹn.
Tuân thủ những chỉ định của bác sĩ. Không tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa.
Ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc, giảm chất béo, hạn chế uống bia rượu và các chất kích thích.
Duy trì cân nặng lý tưởng, tập luyện thể dục thường xuyên.
Báo cho bác sĩ ngay khi xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc.
Tóm lại: Ung thư buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh. Do đó, để phát hiện và có hướng điều trị kịp thời, bạn nên quan tâm đến sức khỏe của mình và thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.