Khi trẻ ho nhiều sẽ khiến các bố mẹ vô cùng lo lắng vì sợ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Trẻ bị ho là tình trạng thường gặp mỗi khi nhiễm lạnh hay thay đổi thời tiết, nhất là những bạn nhỏ có sự nhạy cảm về đường hô hấp. Nhiều trẻ bị ho kéo dài, ho về đêm hoặc ho kèm theo sổ mũi, nôn trớ khiến cha mẹ không khỏi lo lắng.
Bài viết dưới đây, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phân tích rõ triệu chứng ho ở trẻ và những điều cần biết về thuốc long đờm để các bố mẹ có thể có những phương pháp phù hợp cho cơn ho của trẻ.
Ho là gì?
Ho là một phản xạ có lợi cho cơ thể, giúp bảo vệ đường thở khỏi sự xâm nhập của dị vật. Quan trọng hơn, đây là một phản xạ tham gia vào việc di chuyển và tống xuất các dịch tiết bất thường bên trong đường thở. Các thụ thể ho hiện diện tại đường hô hấp: họng, đáy lưỡi, khí phế quản... khi nhận ra được sự xâm nhập hay tồn tại của các chất lạ đều kích thích tạo ra phản xạ ho để bảo vệ và giữ cho đường thở luôn thông thoáng.
|
Tìm nguyên nhân và điều trị trúng đích là việc nên làm khi trẻ bị ho
Thật ra có rất nhiều nguyên nhân gây ra ho. Do đó, việc tìm nguyên nhân và điều trị trúng đích là điều nên làm, chứ không phải là để mặc cho con ho mà không làm gì cả.
May mắn thay, viêm đường hô hấp trên là nguyên nhân gây ho thường gặp nhất ở trẻ em, đa phần là do siêu vi. Vì thế, trong phần lớn các trường hợp không cần điều trị diệt vi rút mà sẽ chờ đợi đến ngày, đến giờ con cải thiện, thành ra mới có chuyện bác sĩ khám xong và kêu về nhà theo dõi, cứ để con ho và không cần dùng thêm thuốc.
Có nên sử dụng thuốc long đờm để hỗ trợ cho con giúp tống xuất đờm nhớt hay không?
Khi viêm nhiễm đường hô hấp sẽ sản xuất ra nhiều sản phẩm gọi đơn giản là đờm nhớt, dịch tiết. Sự tồn tại của những loại dịch này được hiểu như là những dị vật, vô tình kích thích vào thụ thể ho luôn tồn tại ở nhiều nơi trên đường hô hấp. Từ đó, chúng kích thích cơ thể tạo ra phản xạ ho để tống xuất các dị vật này ra ngoài, bảo vệ cho đường thở luôn ở trạng thái thông thoáng nhất, giúp trẻ dễ thở hơn cũng như loại bỏ được virus, vi trùng ra khỏi cơ thể.
|
Mặc dù thuốc long đàm khá an toàn khi sử dụng nhưng vẫn có thể gặp các triệu chứng không mong muốn do thuốc, do đó không nên dùng kéo dài và phải theo chỉ định của bác sĩ, không mua và sử dụng tại nhà một cách tự ý (Ảnh minh họa).
Khi trẻ ho nhiều sẽ khiến bố mẹ lo lắng mặc dù biết ho là một phản xạ tốt. Vậy câu hỏi đặt ra có nên sử dụng thuốc long đờm để hỗ trợ cho con giúp tống xuất đờm nhớt hay không?
Thuốc long đờm còn được gọi là thuốc loãng đờm, thuốc làm tiêu chất nhầy. Các thuốc này có tác dụng làm lỏng các dịch tiết tiết ra từ niêm mạc khí quản - phế quản do làm thay đổi cấu trúc của dịch nhầy, dẫn đến giảm độ nhớt, độ quánh đặc của đàm nhầy trong phế quản. Vì vậy, các chất nhầy đờm có thể di chuyển dễ dàng và được tống ra khỏi đường hô hấp bằng hệ thống lông chuyển hoặc bằng sự khạc đàm. Các thuốc trong nhóm long đờm thường được sử dụng gồm có: acetylcystein, carbocystein, bromhexin, ambroxol, eprazinon…
Acetylcystein là hoạt chất thường được sử dụng cho bé với khả năng làm lỏng chất nhầy đặc của đờm nhờ nhóm sulfhydryl có trong cấu trúc gây hủy hoại liên kết disulfid (-S-S-) có trong đờm nhớt, đờm nhớt bị mất các liên kết sẽ lỏng ra giúp trẻ dễ ho khạc hơn. Đường hô hấp của trẻ sẽ mau đạt được trạng thái thông thoáng, từ đó cải thiện đáng kể triệu chứng ho cho bé. Đó cũng là lý do tại sao khi trong đợt bệnh bé có nhiều đờm nhớt các bác sĩ sẽ kê toa có thuốc long đờm này cho các con.
Tuy nhiên vì là thuốc nên khi sử dụng các bố mẹ cần phải chú ý những điểm sau đây:
Thứ nhất, thuốc long đờm không được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 2 tuổi bởi khả năng ho và tự kiểm soát việc tống xuất đờm nhớt của trẻ ở độ tuổi này là chưa tốt, việc làm tiêu nhầy, long đờm, nhưng phản xạ ho khạc không tốt vô tình làm nặng thêm tình trạng của trẻ. Trên 2 tuổi, trẻ có thể kiểm soát vấn đề ho khạc đờm tốt hơn, chúng ta có thể ưu tiên sử dụng các thuốc long đờm dạng gói, hàm lượng được định sẵn trong từng loại gói nên chắc chắn sẽ không có sự sai lệch về việc cân đong thuốc.
Thứ hai, thuốc long đờm tránh sử dụng ở trẻ có tiền sử hen suyễn, khò khè tái phát vì thuốc long đờm có thể khởi phát cơn co thắt phế quản ở trẻ.
Thứ ba, mặc dù thuốc long đờm khá an toàn khi sử dụng nhưng vẫn có thể gặp các triệu chứng không mong muốn do thuốc, do đó không nên dùng kéo dài và phải theo chỉ định của bác sĩ, không mua và sử dụng tại nhà một cách tự ý.
Cuối cùng, bố mẹ nên hiểu rằng, ho dẫu sao cũng chỉ là triệu chứng, không phải là bệnh lí. Do vậy bố mẹ cần cho trẻ đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân, tìm ra phương pháp điều trị phù hợp và những lưu ý khi sử dụng thuốc long đờm cho trẻ trong trường hợp bác sĩ chỉ định dùng.
|