Viêm phổi hay còn gọi là viêm phế quản phổi có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi là nhóm nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất.
Đa số các trường hợp viêm phổi là do virus gây ra và không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Việc điều trị bệnh chủ yếu dựa vào chăm sóc đúng cách và giải quyết triệu chứng (sốt, ho, ngạt mũi…). Nếu được chăm sóc tốt, trẻ sẽ nhanh khỏi bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể tử vong. Do đó, cha mẹ cần chú ý đến các biểu hiện sớm của bệnh viêm phổi, các dấu hiệu nguy hiểm và tình trạng cấp cứu để đưa trẻ đến viện kịp thời.
Các biểu hiện của bệnh viêm phổi nặng ở trẻ
Đa số viêm phổi ở trẻ lớn thường khởi đầu bằng sốt, ho, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm mũi họng cấp). Khi bệnh tiến triển nặng, trẻ có thể có các biểu hiện như sau:
- Trẻ khó thở có nhịp thở nhanh theo lứa tuổi: Dưới 2 tháng: ≥ 60 lần/phút, từ 2 đến 12 tháng: ≥50 lần/phút, từ 1 đến 5 tuổi: ≥ 40 lần/phút và trên 5 tuổi: ≥ 30 lần/phút.
- Đặc biệt, khi trẻ có các biểu hiện như: Tím tái, không uống được, li bì, khó đánh thức, co giật, suy dinh dưỡng nặng, phập phồng cánh mũi, co kéo cơ liên sườn, rút lõm lồng ngực, hõm ức thì sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp cấp tính và có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm phổi ở trẻ em có lây không?
Bệnh viêm phổi là do virus và vi khuẩn gây ra nhiễm trùng phổi. Mà những mầm bệnh này được tìm thấy trong dịch nhầy từ miệng hoặc mũi của người bị nhiễm bệnh và phát tán ra xung quanh khi người bệnh ho hay hắt hơi nên chúng có thể lây lan từ ngươi này sang người khác, tạo điều kiện cho bệnh viêm phổi phát triển ở những người nhiễm mầm bệnh.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi
Một số cách chăm sóc hiệu quả mà cha mẹ có thể làm giúp trẻ nhanh khỏi bệnh như sau:
1. Hạ sốt cho trẻ
- Tích cực chườm ấm cho trẻ (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được).
- Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
2.Vỗ lưng giúp trẻ bài tiết đờm hiệu quả
Phương pháp vỗ lưng cho trẻ khi bị ho có đờm sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, giúp đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng. Thực hiện vỗ lưng tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn, bằng cách gập bàn tay của bạn ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại. Giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ. Vỗ bên trái rồi sang bên phải, khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực. Chú ý không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống.
3. Hướng dẫn trẻ ho đúng cách
Với trẻ lớn, yêu cầu các cháu ho sau khi được vỗ ở từng khu vực. Khi trẻ chưa ngừng ho thì chưa được vỗ tiếp. Thực hiện các bước sau:
- Cho trẻ ngồi dậy, đầu ngả nhẹ về phía trước.
- Hít vào.
- Mở miệng và thót cơ bụng để ho thật sâu, không ho ở cổ họng.
- Hít vào lần nữa.
- Tiếp tục ho cho tới khi khạc được đờm ra ngoài.
- Đối với trẻ nhỏ, điều dưỡng có thể dùng máy hút đờm dãi ra khỏi hầu họng khi trẻ không tự ho khạc ra được.
4. Lưu ý giữ vệ sinh và chế độ ăn cho trẻ
- Vệ sinh mũi miệng: Dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn xô thì phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh khăn. Việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn/ virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể bé.
- Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
- Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.
- Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.
Cách điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ
Việc lựa chọn thuốc điều trị cho trẻ bị viêm phổi còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và do bác sĩ quyết định. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho điều trị cho con tại nhà.
Hầu hết trẻ bị viêm phổi có thể được điều trị tại nhà. Nếu có một trong các yếu tố sau bé phải nằm viện để nhân viên y tế chăm sóc:
- Cần điều trị bằng phương pháp oxy trị liệu.
- Bị nhiễm trùng phổi có thể lan sang máu.
- Có bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
- Nôn mửa quá nhiều đến mức không thể uống thuốc.
- Viêm phổi tái đi tái lại
- Trẻ có thể bị ho gà.