Phụ nữ sau sinh thường gặp rắc rối về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về phần phụ.
Có 3 bệnh trong số nhiều bệnh phụ khoa gây biến chứng nguy hiểm mà phụ nữ sau sinh thường mắc đó là: Sa tử cung; viêm vòi trứng và ống dẫn trứng; viêm nội mạc tử cung.
1. Viêm vòi trứng và ống dẫn trứng
Viêm vòi trứng là biến chứng nguy hiểm của bệnh phụ khoa sau sinh. Đó là tình trạng vòi trứng bị các loại vi khuẩn, nấm, tạp khuẩn, ký sinh trùng… tấn công vào gây ra tình trạng viêm nhiễm. Phần lớn viêm nhiễm ở vòi trứng thường do tình trạng nhiễm trùng từ âm đạo và cổ tử cung lan đến vòi trứng.
Khi vòi trứng bị viêm, môi trường âm đạo mất cân bằng và làm ảnh hưởng tới chất lượng của trứng và tinh trùng, quá trình thụ thai ở nữ giới gặp phải nhiều vấn đề, thậm chí là khó có thể thụ thai.
|
Phụ nữ sau sinh dễ mắc các bệnh phụ khoa |
Khi bị viêm vòi trứng và ống dẫn trứng, người bệnh thấy kinh nguyệt không đều, rối loạn kinh nguyệt, máu kinh, số ngày hành kinh có sự thay đổi. Khí hư có màu và mùi bất thường, âm đạo bị ngứa. Người bệnh có cảm giác bị đau vùng chậu, đau mỏi vùng lưng nhiều ngày. Ngoài ra, người bệnh còn có thêm các biểu hiện khác như buồn nôn, khó chịu mỗi khi quan hệ tình dục, mệt mỏi, đau khi giao hợp, tiểu rắt, tiểu khó, tiểu gấp, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, chán ăn…
Nếu không có liệu pháp chữa trị, bệnh này sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng như mang thai ngoài tử cung, tắc vòi trứng, vỡ ống dẫn trứng, gây vô sinh.
2. Sa tử cung
Sa tử cung hay còn gọi là sa dạ con, sa thành âm đạo là hiện tượng thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh, khi thành tử cung tụt xuống vào trong ống âm đạo, thậm chí có trường hợp tử cung lộ ra ngoài âm đạo. Biểu hiện là đau bụng âm ỉ, nhịp tim nhanh, đau tử cung dữ dội…
Bị sa tử cung là do cơ sàn chậu và dây chằng căng ra quá mức, dẫn đến không thể nâng đỡ tử cung. Bên cạnh đó, hẹp khung xương chậu là một trong những bất thường về khung xương dẫn tới hiện tượng sa thành tử cung.
Những nguyên nhân khiến bạn bị sa tử cung là: Mang thai đôi, thai nhi to. Thai phụ mang thai nhiều lần, sinh khó. Sa tử cung cũng bắt nguồn từ việc bạn bị tổn thương tại vùng cơ đáy xương chậu, các mô giúp nâng đỡ tử cung hoặc cổ tử cung trong khi sinh. Thai phụ lao động quá sức sau khi sinh, khiến cho các cơ, dây chằng nâng đỡ tử cung bị tổn thương, trong khi các cơ quan này chưa phục hồi hoàn toàn sau khi sinh, dẫn tới thành tử cung bị sa xuống.
3. Viêm nội mạc tử cung
Viêm nội mạc tử cung là tình trạng viêm nhiễm trong buồng tử cung. Bệnh cũng có thể xảy ra sau sinh, sau mổ lấy thai nếu có sót nhau hoặc ứ dịch lòng tử cung kéo dài.
Nguyên nhân bị viêm nội mạc tử cung thường do vi khuẩn lan truyền từ dưới lên trong hoặc sau khi bị viêm cổ tử cung, viêm âm đạo. Nguyên nhân thường thấy nhất là do nhiễm khuẩn sau sảy thai, đẻ bị sót nhau, bế sản dịch, mổ lấy thai, vỡ màng ối sớm và chuyển dạ kéo dài thăm khám nhiều lần theo đường âm đạo.
Khi bị viêm nội mạc tử cung bệnh nhân bị đau bụng dữ dội trước và trong khi hành kinh, đau khi quan hệ tình dục. Người bệnh thấy mệt mỏi, đau buốt đường tiết niệu, tiêu chảy, táo bón, nôn mửa... khí hư nhiều, kèm mủ, sốt.
Viêm nội mạc tử cung nếu không được điều trị đúng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm. Đó là: Nhiễm khuẩn huyết, viêm phần phụ gây dính tắc vòi trứng dính tử cung, vô sinh.
|
Để hạn chế mắc phải, gặp các biến chứng về các bệnh phụ khoa sau sinh bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa để tư vấn. Ảnh minh họa |
4. Cách phòng tránh các bệnh phụ khoa sau sinh
Để hạn chế mắc phải và gặp các biến chứng về các bệnh phụ khoa sau sinh, bác sĩ chuyên khoa khuyên bạn:
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng nước sạch, dung dịch vệ sinh phụ nữ đảm bảo chất lượng. Sau sinh, sản dịch ra nhiều nên chị em cần sử dụng băng vệ sinh, thay băng thường xuyên để tránh viêm nhiễm.
Không nên quan hệ tình dục sớm.
Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày như các thực phẩm giàu kẽm, trái cây, rau xanh nhiều chất xơ, vitamin C…
Đồ lót nên lựa chọn chất liệu cotton thấm hút tốt, thoải mái, được thay, giặt thường xuyên.
Quan sát các dấu hiệu bất thường của khí hư, dịch âm đạo, chu kỳ kinh nguyệt.
Thăm khám phụ khoa ngay cả khi không mắc theo định kỳ ở các bác sĩ chuyên khoa.
|