Nữ hộ sinh không chỉ làm công việc đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh, họ làm công việc cứu sống người khác.
"Mỗi ngày có 1.000 sản phụ tử vong và 5.500 trẻ sơ sinh chết trong vòng một tuần sau khi sinh do không được chăm sóc y tế đầy đủ”. Tiến sĩ Babatunde Osotimehin - Giám đốc Điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết trong Thông điệp của mình nhân Ngày Nữ hộ sinh quốc tế 5/5.
Hiện tại, thế giới thiếu khoảng 350.000 nữ hộ sinh chuyên nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Điều này có nghĩa là những cái chết của sản phụ và trẻ sơ sinh do biến chứng hoàn toàn có thể được ngăn chặn một cách dễ dàng nếu có cán bộ y tế có kỹ năng phù hợp và nếu có thiết bị và sự hỗ trợ thích hợp.
Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển phải sinh con một mình hoặc sinh con mà chỉ có người thân chứng kiến giai đoạn nguy hiểm nhất mà họ phải trải qua trong cuộc đời mình.
Ở những quốc gia nghèo nhất, chỉ có khoảng 13% các ca sinh đẻ do các nữ hộ sinh hoặc cán bộ y tế có kỹ năng hộ sinh thực hiện. Do đó, TS Babatunde Osotimehin khẳng định vai trò của nữ hộ sinh là “những người anh hùng thầm lặng trong bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh”.
Ông cũng cho rằng, đầu tư vào nguồn nhân lực cho y tế là một trong những khoản đầu tư tốt nhất mà một quốc gia nên thực hiện. Trong năm 2011, UNFPA đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của nữ hộ sinh trong việc cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh và tăng cường hệ thống y tế quốc gia.
Cùng với sự hợp tác của hơn 20 đối tác, UNFPA sẽ phát hành báo cáo toàn cầu đầu tiên về "Tình trạng nữ hộ sinh trên toàn thế giới" vào tháng 6 tới. UNFPA sẽ mở rộng phạm vi chương trình hợp tác “Đầu tư vào nữ hộ sinh” với Liên đoàn Hộ sinh Quốc tế tới 30 quốc gia trên toàn thế giới.
UNFPA cũng sẽ cùng tham gia với hàng ngàn nữ hộ sinh tại Hội nghị về Nữ hộ sinh tổ chức ba năm một lần tại Durban (Nam Phi) vào tháng 6 để thảo luận về nguồn nhân lực trong ngành y tế và kế hoạch cho tương lai.
“Với tư cách là Giám đốc Điều hành của UNFPA, tôi muốn tôn vinh những công việc quan trọng mà nữ hộ sinh đang thực hiện. Nữ hộ sinh không chỉ làm công việc đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh. Họ làm công việc cứu sống người khác và góp phần tăng cường một hệ thống y tế có chất lượng cho toàn xã hội. Họ chính là nguồn nhân lực quan trọng trong một hệ thống y tế hiệu quả” - TS Babatunde Osotimehin nhấn mạnh.
|