Có thể bạn sẽ thắc mắc không biết trẻ sơ sinh có những cảm giác như thế nào và trẻ có nhận biết được thế giới xung quanh không? Câu trả lời là có, bởi trong giai đoạn đầu này, giác quan của trẻ rất phát triển. Và dưới đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học.
Thị giác
Lúc mới sinh, thị giác của bé chỉ hoạt động tốt trong phạm vi từ 20 - 25cm. Khoảng cách này chỉ bằng khoảng cách từ mặt bé (lúc đang bú) đến mặt của mẹ, vì thế đây là khoảng cách rất lý tưởng để bé làm quen với khuôn mặt của mẹ. Trẻ có thể nhìn xa hơn nhưng khó tập trung, tuy nhiên ánh sáng từ đằng xa vẫn có thể lọt vào mắt trẻ. Mặt người, ánh sáng và sự chuyển động của đồ vật là những điều mà trẻ sơ sinh thích nhìn nhất. Bẽ cũng thích nhìn vào những bức vẽ có khuôn mặt người đang cười vui vẻ hơn là những khuôn mặt cau có.
|
Thị giác của bé phát triển dần. Lúc được 12 tuần tuổi, bé nhìn đồ vật ở gần tốt hơn và cũng ít bị lé hơn. Bé có thể nhìn xa hơn 25 cm nên bé dễ dàng dõi mắt theo một người đang đi. Giờ đây, bộ não của bé đã trưởng thành nhanh chóng với rất nhiều đường dẫn truyền giữa các tế bào thần kinh. Những gì mà bé nhìn thấy ngày càng trở nên có ý nghĩa hơn. Bé nhanh chóng nhận ra những gì trước mắt, hoặc dõi mắt nhìn theo một đồ vật nào đó đang đung đưa qua lại.
Hình ảnh những khuôn mặt khác nhau rất có ý nghĩa đối với trẻ. Với độ tuổi này, bạn có thể cho trẻ học cách quan sát xung quanh để phát triển thị giác, nhưng đừng bắt ép trẻ nếu trẻ không thích. Bạn cần phải ước lượng được thời gian để trẻ không bị mỏi mắt, và đừng quên thường xuyên di chuyển vị trí bé hàng ngày để trẻ có thể quan sát và làm quen dần được với nhiều cảnh, vật.
Thính giác
Lúc mới sinh, thính giác của trẻ cũng đã hoạt động rất tốt. Trẻ có thể nghe được các âm thanh ngay từ trong bụng mẹ. Vì thế mà bố hay mẹ nói chuyện với trẻ, hay cho nghe nhạc khi trẻ còn là bào thai trẻ đều cảm nhận được. Đối với trẻ sơ sinh thì giọng nói con người luôn được chú ý nhiều hơn các âm thanh khác.
Bé sẽ phản ánh lại các âm thanh lớn hoặc âm thanh phát ra đột ngột, đôi khi còn phản ứng rất mạnh mẽ. Trẻ có thể giật mình, vì những âm thanh lớn như tiếng chó sủa, tiếng đóng cửa mạnh, hay tiếng người cười quá to...
Vị giác và khứu giác
Khi vừa mới sinh ra, trẻ đã thích mùi của mẹ mình hơn bất kì mùi vị nào. Bé không cần phải học cũng nhận ra được mùi của mẹ cũng như mùi sữa của mẹ. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ sơ sinh thích nếm vị ngọt hoặc thích uống sữa có vị ngòn ngọt. Trẻ sẽ bật khóc khi ăn phải gì đó có vị đắng hoặc chua.
Theo thời gian, vị giác và khứu giác của trẻ sẽ phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn. Phải có thêm một khoảng thời gian nữa thì mới có thể cho trẻ ăn thử các loại thức ăn khác nhau. Song, nếu trẻ bú mẹ, trẻ sẽ có dịp làm quen với mùi và vị của thức ăn mà mẹ bé ăn hàng ngày. Có lẽ điều này sẽ giúp ích cho bé về sau khi mà bé bắt đầu có những bữa ăn chung với gia đình.
|
Xúc giác
Đối với loài người, đặc biệt là trẻ sơ sinh thì xúc giác đặc biệt quan trọng. Thông qua xúc giác, bé có thể học được nhiều điều xung quanh. Trong làn da của bé ẩn chứa rất nhiều các đầu tận cùng của dây thần kinh cảm giác, giúp bé cảm nhận được các cảm giác: như sờ mó, đè ép, đau, nóng, lạnh, nhột, rung…Tất cả các cảm giác này sẽ rất cần thiết đối với sự tồn tại trước mắt cũng như sự phát triển và học tập lâu dài sau này của trẻ.
Trước khi sinh, trẻ được “ẩn náu” trong bụng mẹ nên luôn có cảm giác ấm áp và dễ chịu. Khi chào đời, trẻ thường có cảm giác bị lạnh và khó chịu khi phải mặc quần áo và tỏ ra thích thú với những vật mềm mại. Đến khoảng 12 tuần tuổi, bàn tay của bé đã trở thành một khối công cụ rất quan trọng, nhằm giúp bé khám phá thế giới xung quanh. Da của bé mỏng, nên rất nhạy cảm với việc sờ mó và các ngón tay rất hoàn hảo để trải nghiệm, tìm tòi những gì bé thích hoặc không thích.
|